CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước. Tư tưởng thi đua yêu nước của Người là sự vận dụng sáng tạo quy luật tiến hoá của nhân loại và tâm lý cầu tiến bộ của con người vào thực tiễn Việt Nam, đồng thời phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo vượt mọi khó khăn xây dựng đất nước của nhân dân ta.
Quyển sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước”

Quyển sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước”của tác giả Lê Quang Thiệu, NXB Thanh niên ấn hành năm 2008, sẽ giúp người đọc hiểu về những nội dung cốt lõi trong tư tưởng thi đua yêu nước của Người. Sách dày 119 trang, phân tích 10 luận điểm về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua. Mọi việc đều thi đua”. Bác nhắc nhở chúng ta không nên coi thường những việc nhỏ. Tuy hiệu quả của mỗi việc đem lại có thể nhỏ, nhưng nhiều công việc nhỏ hàng ngày và nhiều người đều thi đua, thì hiệu quả đem lại sẽ rất lớn.

Thứ hai, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Bác Hồ lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế trong lao động sản xuất và chiến đấu. Và ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua.

Thứ ba, “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”. Người ân cần căn dặn: “Thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già trẻ, gái trai, ngành nghề… hễ là người Việt Nam đều có thể và cần phải thi đua yêu nước”.

Thứ tư, “Thi đua phải có mục đích”. Theo Người, việc đặt mục đích thi đua phải khoa học, toàn diện và cụ thể; có mục đích cho cả nước, cho từng miền, cho từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi; có mục đích thi đua trước mắt và lâu dài.

Thứ năm, “Thi đua phải có kế hoạch tỉ mỉ”. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân, bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu đáo, vui vẻ làm”.

 Thứ sáu, “Thi đua sản xuất và tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Bác Hồ luôn gắn thi đua sản xuất với thi đua thực hành tiết kiệm, coi đó là một chính sách của Đảng và Nhà nước, là đạo đức của người dân Việt Nam.

Thứ bảy,“Thi đua phát huy sáng kiến, phổ biến và áp dụng rộng rãi sáng kiến, kinh nghiệm tiên tiến”. Bác Hồ luôn coi trọng sáng kiến và kinh nghiệm. Bác nói: “Sáng kiến kinh nghiệm là của quý chung của cả dân tộc”.

Thứ tám, “Thi đua cải thiện đời sống, gây hạnh phúc cho nhân dân”.Chính Người là tấm gương mẫu mực suốt đời vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trước khi đi xa, trong Di chúc Người vẫn căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ… Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Thứ chín, “Thi đua xây dựng con người mới”. Bác từng nói: “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Bác luôn động viên phong trào thi đua hướng vào việc xây dựng con người mới gắn liền với xây dựng kinh tế, văn hoá xã hội, phát huy đạo lý truyền thống, sống với nhau có nghĩa tình, đoàn kết cùng nhau diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Thứ mười,“Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”. Theo Bác, lãnh đạo đúng phong trào thi đua là làm cho lợi ích cá nhân gắn với lợi ích xã hội, theo đúng định hướng của cách mạng trong từng thời kỳ.

Có thể thấy, 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948) cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước và đang vững bước trên con đường đổi mới. Tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung lý luận và thực tiễn sâu sắc đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức vận động thi đua, làm cho các tầng lớp Nhân dân thấy rõ tác dụng to lớn của thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta phát triển bền vững.

Để hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của Bác Hồ về thi đua yêu nước, các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước” tại Thư viện thành phố Cần Thơ, với mã số MH.5117.

Ngọc Lan
Các bài viết khác:
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3   (10/04/2020)
Quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, du lịch   (10/04/2020)
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020   (10/04/2020)
Quyển sách “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”   (30/01/2020)
Niềm vui thiện nguyện   (30/01/2020)
<<    1  2